Xuân Về Trẩy Hội Chùa Thiên Trù Ngắm Kiến Trúc Phật Giáo Tọa Sơn Cổ Kính
Mục lục nội dung bài viết
Một số thông tin về chùa Thiên Trù
Chùa Thiên Trù còn có các tên gọi khác là chùa Trò, chùa Ngoài. Ngôi chùa này nằm trong quần thể di tích chùa Hương, ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Mọi người khi du lịch tới đây thường dừng chân ở chùa nghỉ ngơi, ngắm cảnh và đi lễ. Chùa sở hữu lối kiến trúc quy mô là nơi thờ Phật, ngoài ra còn là chốn ăn nghỉ, tu thiền của các nhà tu hành.
Sở dĩ ngôi chùa có tên như vậy bắt nguồn từ xa xưa, thời điểm mà vua Lê Thánh Tông đi tuần qua miền đất này đã chọn thung lũng ngay dưới núi làm nơi dừng chân. Quân lính dựng trại và nấu ăn, nghỉ ngơi. Đi xung quanh quan sát địa thế của ngôi chùa, ông cảm thấy thật hợp với cái tên sao Thiên Trù hay còn có nghĩa khác là Bếp Trời. Do vậy, nhà vua đã đặt cái tên này cho chùa và vẫn còn giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Lịch sử chùa Thiên Trù
Du lịch Chùa Hương ai cũng muốn một lần được đặt chân đến khuôn viên chùa Thiên Trù để ngắm tận mắt công trình cổ kính tọa lạc ở đây hàng trăm năm qua. Để có được kiến trúc khang trang phục vụ cho các Phật tử cũng như người dân đến tham quan, hành hương cúng lễ, chùa đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Từ sau sự kiện nhà vua đặt tên, cũng đã từng có 3 vị Thiền sư đến dựng lều cỏ và tu thiền cạnh chùa, gọi nơi đây với cái tên “Thiên Trù Tự”.
Vào năm 1868, chùa Thiên Trù lại được trùng tu như một thiền viện, hòa thượng Trần Đạo Quang Viên cùng các nhà tu hành quy tụ về đây tu hành đạo Phật. Cùng với người dân quanh vùng xây dựng quy mô lớn, thiết kế tinh xảo. Nhưng trong kháng chiến chống Pháp, không may chùa đã bị tàn phá nặng nề, còn sót lại duy nhất chỉ là một khu vườn tháp trơ trọi.
Sau dấu mốc đó, mãi đến tận năm 1954 chùa cũng mới được tiếp tục trùng tu trở lại. Cho đến ngày nay mỗi một năm, một giai đoạn lại bồi đắp, xây dựng thêm những khối kiến trúc đẹp ấn tượng để biến ngôi chùa này trở thành một quần thể hành tráng. Điển hình như:
- Năm 1992: khánh thành khu điện Hưng Thủy, điện thờ mẫu Liễu Hạnh.
- Năm 1993: khánh thành nhà Tổ đường và khu nhà bảo điện sau chùa. Tiến hành khai mở động phía trên khu Thiên Thủy Tháp, trong đó là nơi thờ tự của Thượng ngàn chúa tể.
- Năm 1994: khánh thành cổng Nam Thiên Môn.
- Năm 1995: khánh thành Quan Âm Các.
- Năm 2004: Bảo tháp Chân tịnh được khánh thành. Công trình này tọa lạc ngay tại khu vực dưới chân gác chuông của chùa Thiên Trù.
Hướng dẫn đi đến chùa Thiên Trù
Để đến được chùa Thiên Trù, du khách tới thăm di tích chùa Hương bằng các cách sau:
- Xe máy: đi theo hướng Nguyễn Trãi - Hà Đông, rẽ trái ở ngã ba Ba La đi Vân Đình. Sau đó đi khoảng 40km đến Tế Tiêu, bạn rẽ trái và hỏi đường tới chùa Hương.
- Đi ô tô: theo hướng Quốc lộ 1A Pháp Vân - Cầu Rẽ, bạn rẽ phải khi gặp nút giao Đồng Văn vào quốc lộ 38, tiếp tục chạy khoảng 15km theo hướng chờ Dầu là đến chùa Hương.
- Đi xe buýt: Các xe 75, 78, 211 đi Hương Sơn hay Tế Tiêu khởi hành từ bến xe Mỹ Đình, bến xe Yên Nghĩa, bạn có thể tìm kiếm thêm tại ứng dụng timbuyt để chuyến đi thuận lợi hơn.
Giá vé tham quan chùa Thiên Trù
Giá vé tham quan chùa Thiên Trù đã bao gồm trong vé tham quan theo tuyến tại khu du lịch chùa Hương. Cụ thể là tuyến Đền Trình - Thiên Trù - Hương Tích: 130.000 VNĐ/khách, trong đó: Vé thắng cảnh: 80.000 VNĐ/khách; Vé đò thuyền: 50.000 VNĐ/khách.
Khám phá kiến trúc ấn tượng của Thiên Trù Tự
Không chỉ sở hữu không gian rộng lớn, hoành tráng mà chùa Thiên Trù còn mang nét kiến trúc của 2 thời kỳ vua Lê và chúa Nguyễn rất đặc biệt. Công trình đồ sộ, có bố cục hài hòa đầy đủ các khu vực thờ tự. Đồng thời cũng cung cấp điều kiện sinh hoạt, nhà khách cho hàng trăm du khách đi tour chùa Hương nếu có nhu cầu nghỉ qua đêm.
Khuôn viên chùa bố trí theo hình chữ nhật vuông vức. Để đến được khu nhà thờ Tổ bạn phải đi qua 5 cửa và 3 bậc với độ dốc lên cao dần.
Bước qua cửa thứ nhất là dãy nhà nghỉ chân của du khách đi hội chùa Hương. Tiếp tục bước qua đó là đến bậc thứ nhất, nơi đặt chiếc đỉnh đồng cao 3 mét để mọi người thắp hương.
Sang bậc thứ 2 là khu nhà cho khách nghỉ lại chùa Thiên Trù. Bước sang bậc thứ 3 đi qua 2 cửa Tam quan là tới khu Tam Bảo thờ Phật, 2 bên là gác trống gác chuông. Điểm dừng chân cuối cùng bao gồm nhà thờ Tổ ở chính giữa, khu Thiên Thủy Tháp bên hữu và điện thánh Mẫu nằm bên tả.
Mái chùa lợp ngói rêu phong mộc mạc và bình dị là tâm huyết của biết bao nhiêu con người hướng về cửa Phật xây dựng trong suốt hàng trăm năm qua. Bước qua những cánh cửa gỗ, đi trên bậc thềm gạch cũ kỹ mới thấy được nét đẹp chân tâm nơi đất Phật. Dù trải qua thời gian vẫn nguyên nét, không đổi sờn.
Kinh nghiệm ăn uống và mua sắm tại chùa Thiên Trù
Dọc đường từ bến đò đến chùa Thiên Trù có rất nhiều nhà hàng phục vụ với thực đơn khá hợp lý cho bạn lựa chọn, nhưng đừng quên khảo giá trước khi gọi món.
Nếu muốn mua các món quà lưu niệm hay đặc sản làm quà cũng đừng quên hỏi giá cụ thể, kiểm tra thật kỹ bởi không phải bất cứ sản phẩm nào được bày bán cũng có chất lượng như mong đợi, đặc biệt là với thuốc nam chữa bách bệnh.
Mỗi năm về đất Hương Sơn đừng quên đến chùa Thiên Trù để tận hưởng không khí thanh tịnh, ngắm cảnh sắc bình yên và không thể bỏ qua hướng tâm cầu mong bình an may mắn cho mình cũng như những người thân yêu.